Giận mẹ
“Ngược xuôi nhà mẹ mầy lần
Nửa đi, nửa đứng ngại ngần làm sao!
Nhà dượng mái ngói tường cao
Con mẹ nghèo khó nên vào được chăng?
Trời chiều tím ngắt bằng lăng
Dẫu màu tím ấy đâu bằng lòng con.
Về thôi, về lại lối mòn
Bước đi hụt hẫng, mặc con bướm vàng!
Thèm bàn tay mẹ đông sang
Nhưng nay mẹ chỉ là hàng xóm thôi!”

Vân Anh

Trong đời, người con nào không có một lần giận mẹ, tình – mẹ – con giận nhau như gió thoảng. Trường hợp của Vân Anh qua bài thơ “giận mẹ” trên đây đưa ra một hoàn cảnh khá đặc biệt: một người mẹ đã bỏ con để đi lấy chồng giàu sang. Cả bài thơ là tâm trạng của người con trong nỗi lòng day dứt nhớ mẹ, tâm trạng ấy rối như tơ vò: vừa giận, vừa nhớ, vừa thương, vừa ghét…và cuối cùng là nỗi lòng cô đơn thăm thẳm. Và cũng chính từ niềm đau này đã tạo được nơi người con một nghị lực biết vượt qua hoàn cảnh để sống, để yêu.

Hãy quan sát bước chân của người con: “Ngược xuôi nhà mẹ mấy lần / Nửa đi nửa đứng ngại ngần làm sao!”. Mẹ ở đấy, ngôi nhà của mẹ ở đây, con đang ở ngoài đường muốn ào vào ôm mẹ như ngày xưa, nhưng không thể…Tâm trạng của người con dồn nén trong các từ “ngược xuôi”, “nửa đi nửa đứng”, đưa nhân vật vào một tình thế lựa chọn: vào thăm mẹ, tha thứ cho mẹ hay chấp nhận nỗi đau mất mẹ: “Nhà dượng mái ngói, tường cao / Con mẹ nghèo khó nên vào được chăng?”. Chữ “dượng” trong bài thơ nghe thật tê buốt, có chút tủi thân. Nỗi đau ấy sẽ bào mòn tâm hồn con bỏng rát biết chừng nào. Nên vào hay chăng? Người con quyết định như thế nào đây, trong khi chiều đã tím ngắt, màn đêm sắp bao phủ. Màu tím của không gian chuyển từ ngày sang đêm ấy tuy tê tái nhưng đâu bằng chính lòng con đang bầm!
“Về thôi, về lại lối mòn”. Về, nhưng về lại chính lối mòn con đã đi. Đấy là con đường trải đầy nỗi nhớ mẹ, trải đầy hoang vắng đời con, cho nên đôi chân bước đi hụt hẫng, mặc con bướm vàng. Không có mẹ con biết vin vào đâu để sống, để yêu. Và khi quay mặt đi con đã mất tất cả, mặc cho con bướm vàng hồn nhiên đang rong chơi, nô đùa.

Con người dù có nghị lực bao nhiêu, khi mất tình cảm của người mẹ trong lòng luôn có một khoảng trống không có gì thay thế được. Thời gian đi qua càng khoét sâu thêm vết thương lòng ấy. Ca dao xưa có nhiều câu oán trách mẹ “Mẹ ơi mẹ bạc như gà / Con chưa lẻ mẹ, mẹ đà lẻ con!” nhưng không đau đớn bằng 2 câu kết của bài thơ “giận mẹ”:

Thèm bàn tay mẹ đông sang
Nhưng nay mẹ chỉ là hàng xóm thôi.

Câu thứ 3 của bài thơ trên, người con thốt lên “nhà dượng” nghe đã xót xa nhưng đến câu cuối cùng tác giả sử dụng hình ảnh “người hàng xóm” càng xót xa bội phần. Nay mẹ chỉ là người hàng xóm thôi, hình ảnh so sánh giản dị nhưng lại có sức đẩy tình cảm lên cao độ và làm điểm kết bài thơ vừa bất ngờ, vừa độc đáo.

Bài thơ chỉ có 10 câu lục bát, nhưng chất chứa nhiều nỗi lòng nặng trĩu: băn khoăn, ngại ngần, tủi thân, mặc cảm, giận dỗi, nhớ nhung, đau đớn, hụt hẫng, chán chường, thất vọng và yêu thương.

Cốt lõi của bài thơ “giận mẹ” không phải là thù hận mẹ, từ bỏ mẹ mà chính là thể hiện lòng con thương mẹ. Nếu người con ấy chối bỏ mẹ mình, thì giọng thơ không buồn đến thế, buồn trong nhớ thương, buồn vì “người ta” đã chiếm lấy tình cảm của mẹ hiền. Độc đáo của bài thơ còn nằm ở chỗ bài thơ càng thể hiện tình cảm giận mẹ thông qua hành vi, lời lẽ, suy nghĩ của người con bao nhiêu thì càng bộc lộ tình thương mẹ bấy nhiêu.

Giận thì giận mà thương thì thương, bài thơ không cho độc giả biết vì sao người mẹ ấy phải “đi bước nữa” bỏ lại con sống trong tình cảm bơ vơ. Đừng vội trách người mẹ ấy, nhưng bài thơ muốn gởi một thông điệp đến các người mẹ, người cha rằng trên đời này không có gì thay được tình cảm của mẹ của cha, người con chỉ có thể phát triển hoàn hảo trong tình yêu thương dưới mái ấm gia đình.

Nguyễn Nho Khiêm